Ốc tai điện tử trông có vẻ rất dễ dàng đeo và tháo lắp, tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý trong việc sử dụng và bảo quản thiết bị, đặc biệt là khi đối tượng sử dụng là trẻ nhỏ.
Lần đầu tiên khi nhận đầy đủ bộ thiết bị bên ngoài của ốc tai điện tử, có thể bạn sẽ thấy choáng ngợp vì có quá nhiều chi tiết, bộ phận, phụ kiện. Bạn đừng lo vì thực chất, rất nhiều thiết bị và phụ kiện trong hộp được sử dụng cho mục đích dự phòng hoặc mục đích được định sẵn, mỗi thiết bị lại có đầy đủ hướng dẫn sử dụng đi kèm. Tuy nhiên cha mẹ vẫn cần phải học để làm quen và bắt đầu hình thành thói quen mới khi cho con đeo thiết bị.
Bạn sẽ nhanh chóng nắm được tên của các bộ phận, phân biệt được giữa bộ thiết bị dùng trong môi trường bình thường và bộ dùng khi đi bơi, tìm chỗ an toàn để cất và bảo quản các bộ phận con hay dùng hàng ngày, bao gồm cả hộp hút ẩm và sạc.
Trẻ nhỏ rất hiếu động, thường xuyên chơi các trò chơi vận động và nghịch bùn đất bẩn… Điều này có thể ảnh hưởng đến thiết bị nghe của trẻ, va chạm và trầy xước là không thể tránh khỏi. Bố mẹ cần đề phòng để tránh hết sức có thể những hư hại xảy đến với thiết bị của con.
Bố mẹ cần giữ sạch cho thiết bị của con, đảm bảo không có bụi bít micro gây cản âm thanh. Bố hoặc mẹ nên chịu trách nhiệm kiểm tra thiết bị của con thường xuyên (có thể là 1 tuần 1 lần), bao gồm nghe thử tín hiệu âm thanh ở bằng bộ tai nghe đặc biệt (đi kèm theo bộ thiết bị), và cần gửi thiết bị đi bảo dưỡng định kỳ để kiểm tra và xử lý triệt để.
Cha mẹ cũng cần thường xuyên kiểm tra lực hút giữa headpiece và bộ phận cấy bên trong. Nếu liên kết lỏng lẻo, cần gắn thêm nam châm để giữ cho headpiece không bị rơi khỏi đầu trẻ. Kiểm tra phần da đầu tiếp xúc với headpiece, nếu phần da đầu trẻ bị đỏ lên thì có thể lực hút là quá mạnh, cha mẹ cần bỏ bớt nam châm hoặc thông báo cho bên cung cấp thiết bị để có biện pháp xử lý, tránh làm tổn thương làn da non nớt của trẻ.
HÌNH THÀNH THÓI QUEN CHO TRẺ
2 ngày 1 lần, luyện cho trẻ ngồi cùng cha mẹ để đeo máy, tháo máy. Khi trẻ lớn thêm 1 chút, hãy dạy trẻ cách lắp pin để chúng có thể tự thay pin khi hét pin. Một số phản hồi từ phụ huynh rằng trẻ rất vui khi có thể giúp bố mẹ đeo tháo “tai” của mình đặt vào hộp hút ẩm và nói tạm biệt trước khi đi ngủ.
Ban đầu, khi trẻ mới tập làm quen với thiết bị, đừng cố bắt trẻ đeo máy ngay khi vừa thức dậy nếu chúng không muốn, vì trẻ sẽ trở nên giận dữ và ghét thiết bị. Hãy cho trẻ khoảng thời gian thoải mái trước khi đeo máy, chọn thời điểm trẻ vui vẻ hoặc khi trẻ làm những điều chúng thích như xem tivi để đeo máy. Khi trẻ đã quen với việc nghe bằng thiết bị cấy, thì việc đầu tiên khi trẻ tỉnh dậy vào buổi sáng là đòi đeo thiết bị ngay lập tức để được nghe âm thanh. Tập cho trẻ đeo máy cả ngày cho tới khi đi ngủ.
GIÁO DỤC CHO TRẺ VÀ CẢ NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH VỀ THIẾT BỊ CẤY
Giáo dục cho trẻ về tác dụng của thiết bị, mặc dù có thể trẻ sẽ không hiểu ngay. Hướng dẫn trẻ thông báo cho người lớn biết khi trẻ không nghe thấy hoặc khi thiết bị bị rơi, dạy trẻ cách tự gắn thiết bị khi headpiece bị rơi.
Ngoài bố mẹ, những người xung quanh chăm sóc cho trẻ (như ông bà, cô giáo…) cũng cần phải biết về thiết bị của trẻ, khi nào chúng hoạt động tốt, khi nào chúng không hoạt động, cách tháo lắp thiết bị cũng như các nguyên tắc bảo quản cơ bản của máy.
7 ĐIỀU LƯU Ý CHO CHA MẸ KHI CÓ CON SỬ DỤNG ỐC TAI ĐIỆN TỬ:
1. Kiên nhẫn. Ban đầu, nếu trẻ không muốn đeo thiết bị, cố đánh lạc hướng để tập cho trẻ đeo máy, khen trẻ khi trẻ chịu đeo máy.
2. Nhớ tên các bộ phận của thiết bị. Liên hệ ngay với nhà cung cấp thiết bị nếu có bất kỳ điều gì bất thường xảy ra.
3. Kiểm tra phần tiếp túc giữa headpiece và da đầu. Đảm bảo da đầu không bị đỏ hoặc tổn thương
4. Không để việc nghe của trẻ bị gián đoạn. Nếu cần gửi thiết bị đi thay thế hoặc sửa chữa, hãy hỏi nhà cung cấp để được mượn bộ thay thế.
5. Giữ cho thiết bị luôn khô và sạch. Sử dụng hút ẩm khi trẻ không đeo máy, thường xuyên để ý để thay thế viên hút ẩm khi hết hạn.
6. Giữ liên hệ. Thường xuyên liên hệ với nhà cung cấp thiết bị để cập nhật những sự thay đổi về công nghệ, liên hệ với những gia đình khác có con cấy ốc tai điện tử để hỗ trợ lẫn nhau.
7. Giáo dục cho những người khác. Đảm bảo rằng những người chăm sóc trẻ đều biết cách sử dụng thiết bị và hiểu được tầm quan trọng của việc giữ cho trẻ đeo thiết bị cả ngày.
Để được tư vấn chi tiết, xin liên hệ:
TRUNG TÂM TRỢ THÍNH THIÊN ĐỨC
Địa chỉ: 417 Giải Phóng – Thanh Xuân – Hà Nội
Điện thoại: 043.869.3363
Hotline: 0984.330.889